69. Tổ truyền ăn mau

Thuở xưa có một người ở phía nam Ấn Độ, chính gốc của anh từ bắc Ấn Độ lại, vì ở lâu nên cưới vợ miền Nam. Một hôm vợ anh dọn cơm trên bàn; không quản cơm canh nóng hổi, anh há miệng lớn lùa húp rất mau, giống như người gần chết đói được thức ăn không khác. Vợ anh thấy thế làm lạ vô cùng, bèn hỏi:
- Không có ai lại dành ăn với anh, cũng không có chuyện gì gấp, tại sao anh không chậm rãi ăn, mà lại ăn mau thế?

Anh trả lời:
- Bí mật lắm! Anh không nói cho em biết đâu.

Chị vợ nghe thế rồi, cho là nhất định có lý do gì đặc biệt lắm, bèn ân cần năn nĩ anh nói ra.

Ban đầu anh không chịu nói, chị vợ kì kèo hoài anh mới chịu nói:
- Tổ tiên của anh nhiều đời đều ăn như vậy, do đó đến đời anh, anh cũng phải y như thế không dám cãi đổi.

Chuyện nầy tỉ dụ: Có một ít người thủ cựu, thường thường không chịu phân biệt lành dữ, lợi hại thế nào, chỉ một bề chấp chặt thói quen mê lầm, tà vọng; dương dương tự đắc không biết lỗi mình, không biết xấu hổ, lại cũng không biết cải chánh xả tà. Có ai giúp ý kiến hay khuyên lơn, họ đã không nghe lời phải mà còn trở lại nói đó là sự truyền thống hay ho, phải nên bảo thủ.