58. Chia của

Thuở xưa trong nước Mala có một người giòng Sát-đế-lợi mắc bịnh hiểm nghèo, biết mình sắp chết, bèn gọi hai đứa con lại trối rằng:
- Sau khi cha chết, các con đem tài sản của cha chia với nhau cho đồng đều.

Chẳng bao lâu người cha chết. Hai đứa con y theo lời di chúc của cha, đem tài sản chia làm hai phần đồng đẳng. Nhưng chia đi chia lại hoài cũng không đều được. Người anh nói phần của người em nhiều, người em nói anh chia không đồng đẳng. Hai anh em tranh chấp mãi không thôi, mới đến một ông lão, nhờ giải phân. Ông lão bảo hai anh em nó:
- Ta có một biện pháp, khiến hai anh em được vừa lòng: Ðem mỗi món đồ cắt ra làm đôi, mỗi người một nửa, như thế há không đồng đều ư?

Hai anh em nghe rồi đều đồng ý, bèn đem quần áo mỗi cái cắt làm hai, lại đem nào nồi, bình, chén, bát và tất cả các đồ đạt như: Bàn, ghế, chiếu, giường, bất luận thứ chi đều chia làm hai phần cả, thậm chí tiền bạc cũng chặt làm đôi. Làm cho tất cả đồ đạt, tiền của trong nhà trở thành đồ bỏ.

Chuyện nầy tỉ dụ: Nghĩa lý và pháp môn tu hành trong Phật pháp đều là để cởi mở sự buộc ràng. Ðối cơ thuyết pháp đều có cơ nghi và nguyên tắc, có môn bình đẳng, có môn sai biệt, đều là tùy nghi vận dụng cho hợp thời. Không phải như bọn ngoại đạo ngu si, cho chỗ ức kiến của mình là phải, chấp chặt một pháp cho là hoàn toàn. Kết quả, chánh pháp rất hoàn hão vào tay bọn họ liền bị hủy hoại trộn pha trở thành tà pháp vô ích. Do đó người tu hành không nên tin theo ngoại đạo tà sư, hủy bỏ chánh hạnh, chê bai chánh pháp, mà phải đắc tội vô cùng lớn lao.